1/ Định nghĩa về Yoga
Bạn đã, đang và có ý định tập Yoga và bạn nghĩ gì về Yoga? Hi vọng thông tin dưới đây sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới cho bạn nhé!
Chắc hẳn bạn đã đều biết Yoga xuất phát từ Ấn Độ đúng không nào?
Từ “Yoga” được đề cập đến lần đầu tiên trong ghi chép cổ đại nhất – Rig Veda. “Yoga” có nguồn gốc từ chữ “yuj” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “hợp nhất”. Có thể hiểu là sự hợp nhất của cơ thể và tâm trí, của cá nhân và vũ trụ, của tâm trí với trí tuệ của vũ trụ.
Yoga dựa trên nền tảng của Veda và triết lý Samkhya. Yoga không phải là một tôn giáo và có nhiều định nghĩa về Yoga.
Theo Marhashi Patanjali, người biên soạn Yoga Sutra (còn được gọi là Kinh Yoga) – triết lý chính thống của Yoga, Yoga được định nghĩa là sự tập trung, cũng còn có nghĩa là sự loại bỏ những xao động trong tâm trí.
Theo Marhashi Vyasa, người luận giảng đầu tiên bộ Yoga Sutra, Yoga là Samadhi – trạng thái tập trung cao nhất của tâm trí, khi đó tâm trí hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới bên ngoài và ở trạng thái nhận biết chân thực nhất.
Bhagavad Gita đưa ra hai định nghĩa: Yoga là làm việc gì đó bằng sự nỗ lực và xuất sắc nhất; Yoga là duy trì trạng thái cân bằng của tâm trí.
Có thể thấy Yoga không chỉ là kéo giãn hay tập luyện với cường độ cao, mà có thể coi Yoga là một cách sống, giúp chúng ta hướng tới cuộc sống tích cực, lành mạnh, vượt qua trở ngại, khó khăn trong cuộc sống bằng các kỹ thuật rèn luyện giúp cho chúng ta tăng cường hoạt động của toàn bộ cơ thể, kiểm soát và làm chủ được tâm trí.
2/ Bốn con đường Yoga
Thử tưởng tượng về một mô hình bánh xe có nhiều nan hoa, khi đó Yoga ở giữa và các con đường là các nan hoa. Tất cả các con đường đều hướng tới tâm là Yoga. Bốn con đường phổ biến nhất là Karma Yoga, Bhakti Yoga, Raja Yoga và Jnana Yoga. Các loại hình khác thường được tập luyện có thể kể đến như Mantra Yoga, Tantra Yoga, Hatha Yoga, vv. Thường thì các hệ thống này của Yoga được luyện tập kết hợp với nhau. Thái độ và góc nhìn tích cực về mọi thứ xung quanh luôn cần thiết với tất cả những ai tham gia rèn luyện. Với mục tiêu cuối cùng là chuyển hóa bản thân để đạt đến trạng thái giải phóng của tâm trí. Một số phẩm chất cần có như: kiên nhẫn, có niềm tin, khiêm tốn, năng lượng, thật thà, …
Dưới đây là 4 con đường Yoga phổ biến
- Raja Yoga: là con đường hoàng gia của Yoga, con đường mà Hatha Yoga hướng tới. Mục đích là rèn luyện để đạt tới sự tập trung của tâm trí cũng như loại bỏ những xao động của tâm trí. Một số kỹ thuật được áp dụng như: thực hành hướng vào bên trong liên tục, loại bỏ dính mắc, tuân theo đạo đức Yama (5 điều không làm) – Niyama (5 điều nên làm), kỹ luật, nhất quán trong hành động.
- Karma Yoga: con đường của hành động. Karma là hành động thể hiện trên cả 3 phương diện: suy nghĩ, lời nói và điều bạn làm. Mỗi Karma đều sinh ra quả, hiểu đơn giản là “gieo nhân nào gặp quả đấy”. Gắn liền với hành động là trách nhiệm, trách nhiệm với chính bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội, môi trường. Bất kì việc gì đến tay ta đều cần được làm với sự tập trung, hiệu quả nhất, làm với niềm tin và không để kết quả ảnh hưởng đến hành động. Hành động được hướng tới với mục đích vị tha và nghĩ cho người, thay vì ích kỷ hay ham muốn. Những ham muốn thường sinh ra các hành động tiếp theo để ta thỏa mãn, khi đó ta rơi vào một vòng lặp lại và sẽ khó có thể giải phóng được bản thân. Đây cũng là cách giúp ta tôi luyện bản thân, nâng cao cuộc sống của mình về mọi mặt: thể chất, tinh thần, nhân cách. Karma Yoga được định nghĩa và đề cập đến trong Bhagavad Gita.
- Bhakti Yoga: con đường của cống hiến. Kỹ thuật được thực hiện là thể hiện cảm xúc thông qua tụng, cầu nguyện hoặc lặp lại mantra. Khi tâm trí của bạn xáo trộn, năng lượng cảm xúc được chuyển thành cống hiến, thể hiện lòng thành với đấng tối cao. Mantra là các âm tiết trang trọng được phát ra, mang sức mạnh về mặt tinh thần. Các loại hình mantra được phát ra, nhẩm trong đầu hoặc viết ra. Một trong số loại hình mantra phổ biến mà năng lượng nhất là AUM. Mantra được lặp lại nhiều lần được gọi là japa.
- Jnana Yoga: con đường của trí tuệ hay con đường của kiến thức và sự khôn ngoan. Có rất nhiều những kiến thức ẩn giấu trong ta. Mục đích của Jnana Yoga là đào sâu thông qua những câu hỏi (tự vấn), thiền và suy ngẫm cho đến khi ta tìm ra được những kiến thức đó.